Người Cơtu ở Trường Sơn, đặc biệt là ở phía Tây Quảng Nam tin có ngải. Không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào, mà ngải còn hiện diện, tác động, và nhiều khi làm thay đổi số phận của nhiều người, cả cộng đồng. Ngải yêu - Amér và những câu chuyện xung quanh nó đến bây giờ với đồng bào nơi đây vẫn là… một điều huyền bí.

Ngải yêu (kỳ 1) : Vén màn bí mật, đi tìm ngải yêu

Ly kỳ “ngải yêu”

Những già làng Cơtu cho biết, Amér là một loại ngải rất hiếm, không phải làng nào cũng có, và chỉ vài ba người nắm giữ bí mật về nó, thường là phụ nữ. Trong ngôi nhà dài (một kiểu nhà truyền thống có nhiều thế hệ chung sống của người Cơtu) ở làng Tà Vàng, bà A Lăng Thị AHút thì thầm tiết lộ câu chuyện ngải yêu mà bà may mắn nắm giữ. Cũng như bà Ria Thị Điệp, bộc lộ điều bí mật ra cho người khác, đặc biệt là những người xa lạ như chúng tôi càng khó khăn gấp bội lần. Câu chuyện của bà AHút có một số điểm khiến người nghe hơi chông chênh, có cảm giác như bà đang cố giữ lại những bí ẩn cho riêng mình. Không ai bảo ai, chúng tôi đều ngầm hiểu rằng đó chính là điều bí mật của rừng già mà có lẽ ngay bản thân bà AHút cũng chưa chắc đã biết hết. Và, theo tập tục truyền thống, những bí mật ấy rồi sẽ theo những người như bà AHút, bà Điệp… xuống mồ.

Bà A Lăng Thị AHút đếm tuổi theo mùa rẫy.

Dù đã qua hơn 90 mùa rẫy cùng cái nghèo khổ ở chốn thâm sơn vẫn không xóa đi hết nét đẹp vẫn còn phảng phất trên gương mặt của người từng là cô sơn nữ đẹp nhất vùng rừng này. Bà AHút có ba đời chồng với mười người con nhưng nay chỉ còn bốn đứa.

Cả ba người chồng đều đã ra đi trước bà. Bà bảo: “Trong ba thằng chồng, tao chỉ bỏ ngải thằng chồng thứ hai mà thôi. Còn thằng chồng thứ ba là tụi tao tự nguyện đến với nhau, không bỏ bùa bỏ ngải gì đâu”. Nhưng với nhiều người thì chuyện đó chẳng mấy ai tin. Tin sao được khi người chồng thứ ba đến với bà khi ông còn đang là chàng trai 20 tuổi, đôi chân vượt bao đồi bao suối không hề biết mỏi, còn bà đã qua hai đời chồng và gần… 50 mùa rẫy.

Cây “ngải yêu” giấu giữa rừng của bà Ria Thị Điệp trông rất giống cây ngải, cây nghệ.

Người chồng thứ ba cũng không bà con, thân thích với người chồng thứ hai để có thể vin vào cớ: “tục nối dây” của dân làng Cơtu. Mọi người bảo chỉ có ngải yêu mới giúp bà với cậu trai trẻ ấy thành chồng thành vợ! Theo lời AHút thì bà “được” ngải yêu như một cơ duyên Giàng ban phát. Năm đó, bà mới chưa đầy 20 tuổi thì ông chồng thứ nhất - vốn già hơn bà gấp ba bốn lần tuổi nhưng bà phải theo vì nhà gái đã nhận đống của cưới quá lớn - ngã lăn ra chết. Bà phải trả hết của cho nhà trai, đến làng RơBhượp sống cùng con trai. Một lần ngồi chơi, tán chuyện, tình cờ bà nghe lọt vào tai lời của một bà già Cơtu từ đâu bên phía tây Trường Sơn (Lào) sang, nói về một loại ngải yêu có tác dụng làm cho “nó” phải theo mình, cưới mình. Giữa lúc đông người, bà giữ lại điều đó trong lòng như một nhát chém trên cột, cho đến khi bà già ra về, mới chạy theo gạ hỏi, năn nỉ, và cuối cùng được bà già đồng ý đổi một cây ngải lấy một tấm tút (một loại vải thổ cẩm của đồng bào Cơtu). Bà dùng ngải ấy để cưới được người chồng thứ 2. Cây ngải được bà nuôi từ đó đến bây giờ.

Cả bà AHút và bà Điệp đều cho rằng việc chăm sóc cây ngải cũng không quá khó khăn. Nhưng, theo những già làng Cơtu, thì nếu hôm nay chủ nhân của cây ngải mất thì ngày hôm sau tự nhiên nó cũng theo về với Giàng(?).

Những câu chuyện khó tin

Đời sống tâm linh còn giữ nhiều nét hoang sơ nguyên thủy của đồng bào bao năm qua sinh sống ẩn khuất dưới tán rừng sâu Trung Trường Sơn càng khiến mỗi câu chuyện kể về ngải thêm bí hiểm đến khó tin. Ngồi nghe những con người bằng xương bằng thịt kể chuyện, nhiều người sẽ như bị lạc vào mê hồn trận của “bùa mê thuốc lú”. Anh Bhling Eng- xã đội trưởng A Tiêng đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xảy ra với ngay người hàng xóm của mình: “Ngày trước, Zic có vợ nhưng không may con vợ mất sớm. Sau đó hắn để ý đến Hoih Nhect, đứa con gái mười tám tuổi như đóa hoa rừng mới nở đẹp nhất làng. Nhưng Zíc vừa xấu lại vừa đen. Ban đầu Nhect ghét Zic lắm, hễ thấy Zíc là tránh xa như tránh hủi. Nhưng không hiểu sao đùng một cái, Zic cưới Nhect. Cả làng đều bảo: “Thằng Zic bỏ ngải. Không dùng ngải thì làm sao mà thằng Zic cưới được con Nhéct, chúng tao tin vậy lắm”. Mẹ Zíc cũng biết ngải yêu, nhưng rồi thứ ngải bí truyền đó cũng đã mất đi theo bà, vì nhà anh không có con gái.

Bà A Lăng Thị AHút diễn tả cách bỏ “ngải yêu” đối với “người mẫu” Bhling Thị Bới.

Những câu chuyện về ngải không chỉ bó buộc trong đồng bào dân tộc mà còn lan sang một số người Kinh lên công tác tại vùng biên giới này. Vào những năm 1982 - 1984 có sáu thầy cô giáo lên đây cắm bản, đem cái chữ Cụ Hồ đến cho đồng bào Cơtu. Thời đó, con đường giao thông nối miền xuôi với miền núi còn lắm trắc trở, khiến con đường tình duyên của cả sáu thầy cô giáo cũng theo đó mà lận đận.

Có thầy đã có người yêu hơn mười năm dưới xuôi nhưng mãi không đến với nhau được. Nghe trong làng Tà Vàng có loại ngải yêu, sáu người rủ nhau vào xin. Thương thầy cô giáo, mẹ anh Bling Eng đã tặng cho họ thứ “thuốc thần” tình duyên. Chỉ sau ba tháng nghỉ hè, có thầy cô đã dắt cả vợ, chồng lên làng cùng món quà dưới xuôi báo đáp ơn bà mẹ anh Eng. Những người còn lại cũng lần lượt toại nguyện (!?).

Điều thú vị nữa là loại ngải yêu này còn có thể sử dụng khi đi săn. Ông Bloong Crooh, 70 tuổi, ở thôn Tà Vàng, kể: “Nếu muốn săn được nhiều con thú trong rừng thì tốt nhất là đi xin Amér về bỏ trong gùi, cất vào chỗ kín. Ngày ngày, trước lúc đi săn, nắm lấy Amér trong tay một lát, rồi đi. Không quá 3 ngày làm như vậy, chắc chắn sẽ săn được con thú lớn (!?).

CÒN TIẾP...



This entry was posted on 9/17/2008 and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 nhận xét:

HAHAHA

AI? Ở ĐÂU?