Phải chăng cái sự phức tạp của ăn mặc, nạn nhân của thời trang xuất phát từ đây, từ việc bộ quần áo sẽ sắm không thể giống bộ đã có, từ việc không thể nào 365 ngày trong năm chỉ mặc một loại trang phục, từ việc ta cũng phải mặc sao cho chỉn chu tươm tất và hơn thế nữa là tạo được thiện cảm, thu hút ánh mắt ngưỡng mộ của những người xung quanh.

Một bà mẹ, chính xác phải gọi là “quý bà” mới xứng với cách xuất hiện: bước xuống từ xe hơi đắt tiền, phục sức kỹ càng với ba gia nhân cung cúc theo sau, bế trên tay đứa con chừng độ hai tháng tuổi bước vào bệnh viện phụ sản quốc tế. Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào “quý bà” bởi một gương mặt trang điểm như đi tiệc tối, trang phục thời thượng với đầy đủ những phụ kiện tối tân như người mẫu quảng cáo và ấn tượng hơn cả là đôi giày cao cỡ 10 centimet gõ cộp cộp lên sàn đá, một sự xuất hiện khác thường ở chốn nheo nhóc này. Một cái nhíu mày của ai đó kèm lời buột miệng không chút thiện cảm “chả biết đưa con đi bác sĩ hay đi diễn!”.

Chỉ sau câu nói đó vài chợp mắt, “quý bà” bỗng dưng bước hụt làm em bé giật mình ré lên khóc. Ba gia nhân người nựng, người đưa bình bú vào miệng em bé vẫn không nín. Một trong số đó nói “chắc cô phải cho em bé… ti”. “Quý bà” nghe theo, gạt mớ trang sức bóng bẩy trên cổ sang một bên, cởi nút áo ngoài. Em bé vẫn tiếp tục gắt. Quý bà tiếp tục loay hoay với cái áo ngực. Và cuối cùng thì đành phải nhờ một trong số gia nhân luồn tay vào sau lưng áo mở nút, em bé mới tiếp cận được với bầu sữa.

Lại tiếng một ai đó thốt lên “thời trang chi cho mệt dữ vậy!”

Đúng là thời trang chi cho mệt. Người viết bài có một người bạn (cực đoan chăng?) từng “giải tán” vô số mối hẹn hò chỉ vì không đồng ý chở các cô gái mặc jupe ngồi sau xe máy. Anh ta lý luận, nếu mặc jupe thì đi taxi và đi bộ. Còn ngồi sau xe gắn máy, phải mặc quần. Vì đường đông, lỡ đụng xe, mặc jupe làm sao an toàn. Người phương Tây tạo ra chiếc jupe đâu phải để mặc khi đi xe máy.

Những mẫu “nạn nhân” với những ca “tai nạn” kiểu này quanh chúng ta có thể ngó đâu cũng thấy. Rất có thể đọc đến đây, bạn sẽ mỉm cười nhủ rằng, mình không nằm trong số đó, mình không hề là “nạn nhân” của quần quần áo áo. Chưa chắc!

Bởi vì bạn có dám cam đoan rằng mình chưa từng diện một chiếc áo len đẹp long lanh trong một ngày mùa đông, và thế là suốt buổi răng môi đánh đàn theo từng cơn gió lạnh hun hút lùa qua khe những sợi len? Bạn có dám chắc rằng mình chưa từng thất bại với một đôi giày, một chiếc giỏ xách hay một cái đầm hết sức ưng ý sau lần thử ở tiệm, về nhà nôn nóng ướm thử mới phát hiện ra, giày đi một lúc thì chân nhoi nhói, giỏ xách lớn đè cả người, chiếc đầm lúc đó trông đẹp thế giờ trông như… áo ngủ? Bạn có dám chắc mình chưa từng góp mặt ở tiệc cưới với chiếc áo thun đã nhão chả ăn nhập gì với không khí lễ tiệc long trọng quần là áo lượt.

Ngay cả người viết, số những bài học “đau thương” tính trên ngón tay quá cả hai bàn, vẫn mắc nạn đều đều khi sắm cho mình chiếc quần jean, trung bình cứ mua ba đến bốn cái mới có một cái xài được. Cái mặc lần đầu phát hiện ra lúc ngồi bị tức bụng. Cái thì mê tít vì chất liệu lúc mặc thấy không hợp phom người. Vậy là lần lượt chú ng được gấp lại, cất tủ, mai mốt… mang cho.

Chẳng cứ là người thường, ăn mặc xuề xoà, hay chỉ vì buộc phải có mặt đột xuất ở một không gian nằm ngoài kế hoạch mới “thọ nạn”, ngay cả những người của công chúng, sự xuất hiện trước đám đông có chủ ý, có điều kiện để phục trang, thậm chí có cả cố vấn, vẫn mắc nạn như thường.

Chắc nhiều người chưa quên vụ “tai nạn” của hoa hậu Mai Phương Thuý khi cô thăm hỏi nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ với gương mặt trang điểm quá đậm và bộ bà ba hồng cầu kỳ. Cô có lý do hết sức đạt lý thấu tình lý giải tại sao mình lại xuất hiện như thế (xin đọc bài “Mai Phương Thuý – Nhìn nhận lại sơ suất điển hình” trong chuyên đề này), nhưng cái chuỗi diễn biến: động cơ – hành động – (không chủ ý) lên phương tiện truyền thông – công chúng phản ứng, chỉ trích, dù gì cũng là một tai nạn của cô. Chính cô cũng thừa nhận đã rút kinh nghiệm sâu sắc sau sự cố đó.

Một kiểu nạn nhân thời trang khác của những người nổi tiếng, là xuất hiện với việc làm từ thiện được truyền thông đình đám một cách chủ ý. Họ khoác trên vai chiếc túi xách hàng hiệu đắt tiền, móng tay sơn màu cầu kỳ, trang điểm và trang sức lộng lẫy, rồi xuất hiện bên những em bé tật nguyền, những người nông dân cơ cực, lam lũ. Báo chí chỉ trích, công chúng lên tiếng, thậm chí chỉ ra rằng như thế thật là kệch cỡm, họ vẫn tiếp tục xuất hiện như đã từng. Có lẽ trong trường hợp này, nạn nhân đã chủ định thọ nạn cho thoả mãn ước mơ nổi bật trước đám đông trong bất kỳ bối cảnh nào và kèm theo đó là ác mộng phô bày văn hoá của đương sự cao thấp ra sao.

Đến đây, bạn đã thấy cái sự ăn mặc nó phức tạp chưa? Vậy sao ta không làm gì đó khiến nó đơn giản. Và việc đơn giản hơn hết và cực kỳ dễ làm là cứ chọn giải pháp cơ bản an toàn nhất cho tiện. Quanh năm suốt mùa cứ quần tây, áo sơ mi, hoặc quần jean áo thun đi. Hay tại sao ta không thử sắm cả lố áo quần y chang như nhau khi mà ta đã mặc qua một cái thấy cái đó vừa, đẹp, thoải mái. Không được rồi. Chắc chắn bạn sẽ nghĩ thế. Vậy phải chăng cái sự phức tạp của ăn mặc, nạn nhân của thời trang xuất phát từ đây, từ việc bộ quần áo sẽ sắm không thể giống bộ đã có, từ việc không thể nào 365 ngày trong năm chỉ mặc một loại trang phục, từ việc ta cũng phải mặc sao cho chỉn chu tươm tất và hơn thế nữa là tạo được thiện cảm, thu hút ánh mắt ngưỡng mộ của những người xung quanh.

Xin hầu bạn đọc nốt “ca” tai nạn cuối cùng. Một đồng nghiệp của tôi, quan tâm đến ăn mặc vừa phải, xuất hiện không gây ấn tượng tốt xấu gì với mọi người về trang phục, đã đi đông đi tây, lại từng xuất hiện ở những tiệc tùng cấp cao cho đến lê la với công nhân ở quán bia ven đường. Chuyến xuất ngoại của anh được lên kế hoạch chu đáo, trong đó có buổi gặp gỡ với các giáo sư của một trường đại học danh tiếng thế giới. Đại diện nhà tổ chức chuyến đi, có lẽ đã hết sức bối rối khi phải hỏi anh một câu tế nhị là có mang đồ lễ theo không. Được biết anh không mang theo, họ tiếp tục bối rối đề nghị với anh, thế thì quần vải, áo sơ mi, cà vạt cũng được, quần jean có lẽ là… không phù hợp lắm. Buổi gặp mặt hết sức trịnh trọng, có đón tiếp, có champagne, giao đãi, giới thiệu, rồi tiệc chính với tất cả khách khứa đều vận trang phục đại lễ, chỉ có mỗi anh khác biệt với quần ka ki (cái quần không phải đồ jean duy nhất anh mang theo) áo jacket và giày thể thao. Anh nói với tôi: “Tao cực kỳ xấu hổ, chỉ muốn độn thổ, ngượng từ đầu đến cuối buổi. Thật chưa từng có lần nào trong đời chuyện áo quần lại hại tao thế”. Vậy đấy, đâu có phải cứ đơn giản và xuề xoà là không gặp nạn.

Để kết thúc bài viết này, sẽ không phải là một lời khẳng định điều gì đó, mà là câu hỏi, để bạn còn… đọc tiếp những bài sau, và tự đi tìm cho mình câu trả lời.

Phải chăng loài người khi xuất hiện trên trái đất này, biết lấy chiếc lá nho, hay miếng rễ cây làm trang phục, họ đã biết chuyện ăn mặc không hề đơn giản và không chỉ đơn thuần mặc là để bảo vệ cơ thể? Khoác cái áo lên người không đơn thuần là chuyện ăn mặc, chuyện ta thích gì mặc nấy, mà là văn hoá ứng xử với cộng đồng?


This entry was posted on 12/03/2009 and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 nhận xét:

HAHAHA

AI? Ở ĐÂU?