“Sống là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu và giành giật. Không có cái gì tự nhiên đến với mình cả đâu.” Anh nói. Một cách gay gắt và quyết liệt. Em yếu ớt: “Có nghĩa là chém giết, có nghĩa là coi trọng sức mạnh, có nghĩa là đạp lên đầu nhau?” Anh xiết chặt vai em vào người anh và đáp: “Đúng vậy! Chỉ cần đừng chơi tiểu xảo. Hãy chiến đấu bằng sức mạnh của mình. Hãy giằng lấy những gì thuộc về của mình”. Em chợt nhớ đến Tuấn bạn trai cũ của em. Anh đã giành em từ Tuấn. Em bị anh thuyết phục rằng em xứng đáng được nhiều hơn những gì em đang có với Tuấn. Rằng em không phải là của Tuấn, không thể là của Tuấn được. Với Tuấn, em sẽ chỉ mãi là một người phụ nữ thông thường không hơn. Có nghĩa là yêu Tuấn, cưới Tuấn và làm bà nội trợ tóc búi rùi, mông quần cứng như mo nang và những tiếng khóc con cái nhếch nhác trên ngực. Rằng em sẽ tầm thường đi với những 24h/7 ngày tuần tự. Rằng em sẽ mãi mãi chỉ biết Tuấn yêu em thế nào mà không bao giờ biết nổi thiên hạ đang yêu nhau ra sao. Em nhớ đến đôi mắt Tuấn nhìn em thảng thốt vì không tin nổi sự ra đi của em. Nhưng sau cái thảng thốt ấy lại là cái nhìn cam chịu. Cam chịu đến thật hèn mọn.

Anh cướp em đi không phải bằng những hứa hẹn sẽ khiến em bừng sáng mà là bằng niềm tin trong em về một ngày mai đầy những thách thức chờ đợi. Anh cũng là một trong những thách thức đó. Anh thách thức em về khả năng đón nhận sự nồng nhiệt của anh. Gần như ngay tức khắc, em vừa nói em và Tuấn chia tay, anh có mặt và cuốn em đi bằng một nụ hôn sâu như vực thẳm sâu nhất thế giới. Em cứ bị hút xuống, xuống mãi, xuống mãi. Không có điểm dừng. Tuấn giờ này có lẽ đang say ngủ. Bây giờ đã là 11h rồi còn gì? Em đứng lên: “Mình về đi anh”. Anh nhíu mày: “Sớm thế? Anh đang tính rằng chúng mình lên New hoặc Apo. Cả một ngày làm việc vất vả cũng nên thư giãn một chút chứ!” Em lắc đầu: “Hôm nay em hơi mệt. Vừa giải quyết xong một dự án em thực sự muốn nghỉ ngơi một chút. Về sớm một chút để xem tivi với bố mẹ, để bố mẹ nhìn thấy mặt mình. Suốt đợt vừa rồi làm dự án em về nhà là ngủ sáng dậy lại đi làm bố mẹ không hề thấy mặt rồi” Anh gật đầu: “Tha cho em đấy! Nhưng phải nhớ là đền bù cho anh nghe chưa?” Em cười. Nghĩ đến nhà nghỉ bên Gia Lâm mà em với anh đã dành hẳn ba ngày sống với nhau bên đó. Cứ khi nào rảnh rang một chút hai đứa lại tót sang bên đó và… Hồi yêu Tuấn em chưa bao giờ có khái niệm ấy cả. Thậm chí còn lên án gay gắt. Nghĩ chuyện có quan hệ giới tính là hư hỏng. Nhưng yêu anh, anh đã thuyết phục em được rằng mọi chuyện đều rất bình thường thôi. Quan hệ giới tính xảy ra với động cơ tình yêu thì chẳng có gì là đáng lên án cả. Và chuyện đi tới những nhà nghỉ chỉ như là đến bất cứ một địa điểm nào đó có thể tạo ra khung cảnh lãng mạn. Em bị cuốn theo và không hối tiếc với những gì em đang làm, đã làm với anh. Chỉ hơi ngại vì thiên hạ còn nhiều người, nói như anh, cạn nghĩ, thiển cận và lạc hậu. Bây giờ là năm 2003. Hôm Tuấn bắt gặp em và anh đi sang bên kia cầu Chương Dương, Tuấn lại vẫn cái nhìn thảng thốt. Thảng thốt rồi cam chịu. Lúc đó, em chỉ muốn bảo anh quay xe về nhưng rồi em lại bảo anh: “Đêm nay ở lại với em nhé!”. Đó là lần đầu tiên em qua đêm với một người con trai. Và sau lần đó, em và anh ở bên nhau nhiều đêm hơn nhất là khi công ty có quá nhiều dự án khiến 12h đêm em mới xong việc và không muốn về gọi cửa đánh thức bố mẹ dậy nữa. Bố mẹ hình như biết. Bố chỉ nói với mẹ nhắc em giữ mình. Đừng để xảy ra chuyện đã rồi mà ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong tủ sách của em có thêm cuốn “những biện pháp tránh thai an toàn” không biết của bố hay của mẹ mua. Hàng tháng, bố vẫn đặt tờ Nguyệt san 2! cho em. Em thầm cảm ơn bố mẹ tâm lý. Năm nay em cũng đã 23tuổi. Anh đưa em đến đầu ngõ rồi quay xe luôn. Nếu như là Tuấn, Tuấn sẽ đứng chờ em đi khuất vào trong ngõ, chờ nghe tiếng lách cách mở khoá và tiếng em chào bố mẹ. Tuấn sẽ tắt máy xe từ đầu ngõ và sẽ dắt bộ xe ra ngoài ngõ rồi mới nổ máy phóng đi. Anh thì khác. Anh không có quá nhiều thời gian để làm những thủ tục đó. Em cũng qua rồi thời 18 để thấy những thủ tục đó giơ cao biểu ngữ “Đây là sự quan tâm”. Em chỉ thấy nếu anh cũng như Tuấn, anh sẽ giống một thằng ngốc đần hơn là anh mà em biết. Phải, anh mà em biết là một trợ lý giám đốc 25 tuổi lương tháng 700 USD chưa kể những phi vụ “đi đêm” và làm ngoài. Anh là một mẫu đàn ông hiện đại. Sáng comple caravat, tối quần bò áo phông, biết kiếm ra tiền và cũng biết tiêu tiền. Trong đầu anh là cả một núi lửa những dự định sục sôi và quyết liệt. Em thích nhìn anh đang làm việc. Đó là sự tất bật và đúng nghĩa chiến đấu. Còn Tuấn, 11h đi ngủ. Sống chừng mực và luôn nghĩ đến những người xung quanh. Với Tuấn, thà chịu thiệt về mình còn hơn để những người xung quanh thiếu thốn. Tuấn cam chịu và dễ bằng lòng với những gì Tuấn có. Khi yêu em, Tuấn không nghĩ đến bất cứ một cô gái nào, không đi đâu nếu không có em. Tối tối, Tuấn lên nhà em, ngồi chơi cờ với bố em, đọc thơ cho mẹ em nghe, dạy thằng Tí học hoặc chơi điện tử toàn thua với nó. Tuấn là biểu tượng của sự bình yên và bền vững. Mặc em kêu gào: “Đi chơi với bạn bè đi, đàn ông con trai phải đi giao thiệp chứ” Nhưng Tuấn đi chơi một buổi rồi về nhăn nhó: “Đi với tụi nó chán lắm. Tụi nó toàn nói chuyện tiền bạc và công việc thôi. Đau đầu lắm”. Và anh xuất hiện. Anh ào vào đời em như cơn lốc xoáy. Bốc em lên cao và đưa em rời xa khỏi luỹ tre làng của tình yêu thời sinh viên với Tuấn, của những tối ngồi ven hồ nhìn trăng lên, nghe Tuấn đọc thơ và bàn luận về những đứa con sau này. Tuấn nói: “Mình sẽ đặt tên con là Hoài An để nó hiểu bố mẹ nó hoài mong sự bình an cho nó”. Hoài An. Em đã rơi nước mắt khi Tuấn viết nguyệch ngoạc trên một tấm thiệp rằng: “Hi hi mẹ ơi, bé Hoài An chúc mẹ tuổi 22 mạnh khoẻ, luôn yêu đời và yêu bố Tuấn mãi mãi. Hẹn gặp lại mẹ 3 năm nữa nhé!”. Tuấn bảo: “Hai năm nữa, người ta sẽ lấy em về làm vợ và sau đó, em phải sớm cho người ta gặp bé Hoài An bằng xương bằng thịt để người ta yêu thương nó nghe!”. Anh thì khác, anh bảo: “Hôn nhân chỉ là mảnh giấy ghi tên hai người. OK, sẽ cưới nhưng không phải hai năm hay ba năm nữa mà là khi em lên làm trưởng nhóm sáng tạo. Và cưới xong sẽ chơi cho đã đời cái đã. Đừng có con vội trước năm em 30 tuổi. Có con là vướng bận. Là hết son rỗi. Là hết tự do vợ chồng trẻ.” Em nghe và thấy sợ thấy mình đầy người mùi sữa, tã lót và tiếng khóc quấy của con cái. Mặc dù em rất thích trẻ con nhưng em lại ngại mình sồ xề. Anh hướng dẫn em cách hưởng thụ những thành quả từ công việc của em. Một nhân viên P.R kiêm copy-writer. Những quảng cáo trên truyền hình mỗi tối đem đến cho em sự cay cú lẫn thoả mãn. Thoả mãn khi thấy những quảng cáo của đối thủ thua xa mình, cay cú vì bị vuột mất những khách hàng lẽ ra là của mình. Nghề quảng cáo đang lên ở Việt Nam và sự khắc nghiệt của nó đã bắt đầu xuất hiện. Em đã phải chiến đấu ngay trong chính công ty của mình, giữa những P.R và những copy-writer với nhau. Sự khốc liệt của đấu đá và chạy đua đã khiến em lạnh dần với những giá trị mà em đã có suốt thời sinh viên. Anh bảo: “Phải lựa chọn. Phải hy sinh cái này hay cái kia để có cái còn lại một cách vẹn trọn và tột cùng như nó vốn có. Đừng ngại đạp đổ. Không đạp đổ thì không xây được cái mới nào đâu.”. Em thừa nhận đôi lần nghoảnh lại thấy mình đơn độc. Anh bảo: “Đó là biểu hiện chung của người thành đạt và là người bắt kịp nhịp sống thời đại này. Yên tâm, ai trong cuộc sống tất bật này cũng thế cả thôi. Con người đều cô đơn như nhau”. Không còn thời gian để sến một chút. Cuộc rượt đuổi thời đại như không có điểm cuối mà chỉ có ai hơn ai, chỉ có ai đang chay trước mình và ai đang bám sát sau mình bấm còi inh ỏi đòi vượt. Em thấy Tuấn bình thản ngồi ở đâu đó một quán cóc ven đường thờ ơ nhìn cuộc sống vút qua và nhặt những đồng bạc lẻ của thiên hạ rơi vãi khi họ phải chạy quá nhanh. Chợt thấy Tuấn cười nụ cười mãn nguyện của một sớm mai tháng 5 lá bay vàng rẻo phố, lá lạo rạo gót chân thành thơ ngọt như ký ức. Tuấn nồng nàn được không? Không! Tuấn chỉ mang mang như thế. Tuấn chỉ dám xưng người ta vì Tuấn bằng tuổi em. Tuấn không dám xưng anh với em vì Tuấn thấy nó kỳ kỳ thế nào ấy. Hôm rồi, thằng Tí em em kể gặp Tuấn đi dạy cho trẻ em đường phố và còn đến gõ cửa từng nhà xin được đánh giầy cho họ miễn phí hoàn toàn. Em hỏi sao Tuấn lại làm thế, thằng Tí bảo: “Anh ấy muốn tiếp thị cho đội đánh giầy mà anh ấy đào tạo mang tên đội đánh giầy Hoài An. Sau khi đánh giầy cho họ, anh ấy để lại số điện thoại của đội đánh giầy để khi nào cần họ sẽ gọi điện cho đám đó.” Đấy cũng là một ý tưởng hay. Em chỉ nghĩ vậy và rồi lại bị anh cuốn đi bằng những chỉ dẫn tận tình khác về việc làm thế nào để có thể thuyết phục được những khách hàng khó tính. Anh cho em cả một danh sách những sự quan tâm, sở thích và điểm yếu của từng người trong ban lãnh đạo công ty mà em đang chào mời làm quảng cáo. Và công ty đó đã bị em chinh phục sau hai lượt tặng quà và gặp mặt riêng từng người trong ban lãnh đạo. Thậm chí, họ còn cho em biết cách làm sao để họ có thể giải ngân một khối lượng lớn tiền trong ngân sách nhà nước cấp cho họ. Sau vụ đó, em lên làm trưởng nhóm. Có laptop riêng, điện thoại di động riêng, đi xe taxi công ty trả tiền. Sau vụ đó, em nhận thêm cùng lúc sáu dự án nữa. Lúc chiều nay, em vừa kết thúc dự án thứ ba. Còn ba dự án nữa đang chờ em vào ngày mai. Và sau ba dự án đó sẽ còn ba chục, ba trăm dự án nữa. Một tương lai rộng mở thênh thang nhưng không thấy ai song hành. Bố mẹ cũng đã ngủ. Thằng Tí mở cửa cho em, mắt nhắm mắt mở: “Em tưởng hôm nay chị không về…” Em xoa đầu nó: “Sáng mai chị chở em đi học nhé!”. Thằng Tí nhíu mày: “Chị làm sao đấy? Mai là chủ nhật kia mà!” Em ngớ người ra. Chủ Nhật. Phải rồi, ngày xưa cứ chủ nhật Tuấn lại đèo em ra ngoại ô thăm những cánh đồng bạt ngàn và hít thở không khí đồng quê yên ả. Phải rồi, chủ nhật hàng tuần là em hay cùng mẹ đi chợ và nấu một bữa cơm thật xịn, nói theo cách của mẹ, cả nhà quây quần. Lâu lắm rồi chẳng có chủ nhật… Em nhấc máy gọi cho anh rủ anh đóng gói ngày chủ nhật cho gia đình. Anh đang ở trong New với bạn bè, anh gào lên trong máy, lẫn giữa tiếng nhạc vũ trường, giọng anh thật lạnh, mai anh thay sếp đi ký hợp đồng rồi. Em hạ máy xuống và bảo với thằng Tí: “Mai cả nhà mình đi ăn hải sản, chị mời”. Thằng Tí nhăn mũi: “Thôi đi chị ơi, chị quên rằng bụng mẹ yếu hay sao? Suốt sáu ngày hôm nay mẹ phải đi tiếp nước liên tục đấy! Toàn ăn cơm với ruốc mà vẫn bị té re” Em hoảng hốt: “Mẹ đã đỡ chưa? Sao em không báo cho chị?”. Thằng Tí gật đầu: “Mẹ đỡ rồi! Mẹ không cho báo vì mẹ bảo chị đang đầu tắt mặt tối rất bận. Không được làm phiền chị. Yên tâm đi, hôm qua anh Tuấn đèo mẹ đi chữa khỏi rồi”. Em thở phào mà như cả tấn không khí dội ngược vào ngực vậy. Em cầm máy điện thoại lên, bấm số rồi chợt nhớ ra giờ này Tuấn đã ngủ. Em hạ máy xuống, thở dài. Thôi, giấc ngủ bình yên Tuấn nhé! Cả anh nữa. Chúc anh ký được một hợp đồng béo bở. Mai chủ nhật là của em, chỉ mình em với mẹ, với bố và với thằng Tí nữa.



This entry was posted on 6/08/2009 and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 nhận xét:

HAHAHA

AI? Ở ĐÂU?