Tôi mến mộ Tiến sĩ Thịnh Hồng - Tổng Thư ký Sở Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - qua một bài báo rất sâu sắc, in trong Tạp chí Kinh tế thế giới - "Kinh tế học thách thức lịch sử".

Và, tôi càng yêu mến ông hơn khi tại vườn Thương Xuân, tôi được nghe ông bàn về hai chữ Nhân Hòa của Lưu Bị.

Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị, cả ba người này cuối cùng đều xưng đế. Thiên hạ chia ba, mỗi người hùng cứ một phương.

Phàm đã gây dựng nghiệp đế, ai cũng phải hao tâm tổn sức. Song, trong ba người ấy, không ai gian khổ bằng Lưu Bị.

Lưu Bị tuy dòng dõi tôn thất, nhưng xuất thân là kẻ dệt cói, đóng giày, không đất dung thân, lúc dưới trướng Tào Tháo, khi nương nhờ Viên Thiệu, Lưu Biểu... vậy mà cuối cùng đã chia ba thiên hạ, làm vua một nước.

Bí quyết thành công của Huyền Đức nằm trong hai chữ Nhân Hòa. Ba lần đến lều cỏ, Lưu Bị mới gặp được Khổng Minh và trong buổi hội kiến đầu tiên ấy, Khổng Minh đã nói với Huyền Đức rằng:

- Tào Tháo ở phía Bắc có Thiên Thời, Tôn Quyền ở phía Đông có Địa Lợi, chúa công ở giữa nên lấy Nhân Hòa.

Khổng Minh nói như thế quả thật đã hiểu đến tận gan ruột của Lưu Bị.


Cái khôn tuôn ra mồm là khôn ngu. Khôn hiện ra mặt là khôn dại. Người khôn mà khiêm nhường mới là đại khôn.

Chắc chắn một doanh gia lấy thiên hạ làm thầy sẽ gặt hái được nhiều hơn doanh gia lấy mình là thầy thiên hạ.


Trong đoạn trường gây dựng sự nghiệp, có thể có nhiều điều Lưu Bị phải nhờ Khổng Minh chỉ cho. Song, hai chữ Nhân Hòa thì Lưu Bị không phải đợi đến Khổng Minh, mà điều đó đã là máu thịt của Lưu Bị vậy. Lưu Bị là Nhân Hòa, phi Nhân Hòa bất thành Lưu Bị. Vì thế, khi nghe Khổng Minh nói: "Chúa công ở giữa nên lấy Nhân Hòa", Lưu Bị đã thấy ngay mình gặp được Khổng Minh như cá gặp nước.

Huyền Đức không những Nhân Hòa với hai em Quan, Trương, với ba quân thuộc hạ, mà còn Nhân Hòa được cả với Tào Tháo, Tôn Quyền.

Dù nuôi chí bao trùm vũ trụ, nuốt cả trời đất, nhưng khi ở dưới trướng Tào Tháo thì ngày ngày cuốc đất trồng rau, khi Tháo hỏi đến anh hùng trong thiên hạ thì kể đến Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Biểu, Tôn Sách, Lưu Chương, Trương Tú, Trương Lỗ, Hàn Toại mà tự giấu mình, ấy là vì có Nhân Hòa mà Lưu Bị lừa được Tào Tháo. Khi sang làm rể ở Đông Ngô, Lưu Bị nhờ hết mực tôn kính Quốc Lão, Quốc Thái, mà vừa được vợ lại vừa an thân, ấy là vì biết Nhân Hòa mà qua được Tôn Quyền.

Bởi có Nhân Hòa mà Lưu Bị có được dưới trướng những người hiền tài nhất trong thiên hạ như Khổng Minh, Vân Trường, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Khương Duy...

Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa, ấy là ba yếu tố quyết định mọi thành bại ở đời. Song, con người không tạo ra được thiên thời, cũng không làm nên địa lợi mà chỉ gây dựng được Nhân Hòa.

Tào Tháo có thiên thời, Tôn Quyền có địa lợi, ấy là hai thứ có sẵn, trời đất ban cho. Còn Lưu Bị muốn có nhân hòa thì tự mình phải làm lấy, phải bền bỉ phấn đấu mới có.

Tào Tháo sống theo triết lý "thà ta phụ người chứ không để người phụ ta" thì làm sao có Nhân Hòa? Tôn Quyền vì ngai vàng của mình mà chịu nhục hàng Tào, nhận cửu tích, bá chủ đất Giang Đông mà để mẹ phải sầu muộn, em gái tự sát, người như thế cũng không thể có Nhân Hòa. Phải là người khóc rỏ máu mắt với dân chúng ở Phàn Thành, thà chịu khốn khó chứ nhất định không lấy đất Kinh Châu của đứa cháu họ, biết ba phen quỳ trước lều cỏ, biết đồng cam cộng khổ với ba quân như Lưu Bị mới có được Nhân Hòa. Và, nhờ Nhân Hòa mà Triệu Vân hai bận quên chết cứu ấu chúa, lão tướng Hoàng Trung quên tuổi tác ba phen đòi lên ngựa cầm gươm. Nhờ có Nhân Hòa mà Lưu Bị làm nên nghiệp đế. "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa" (Thuận cơ trời không bằng địa lợi, được địa lợi không bằng được lòng người), Mạnh Tử nói thế quả đúng vậy.

Với Nhân Hòa có thể làm nên nghiệp lớn, nhưng để có Nhân Hòa thật không dễ. Hiền mà ngu thì người khinh, tài mà ác thì người ghét. Chỉ bậc đại nhân, đại trí mới có Nhân Hòa.

Đọc Tam Quốc, người đời chỉ thấy cái tài của Khổng Minh mà không thấy cái trí của Lưu Bị. Cái trí của Huyền Đức, chính Khổng Minh nói ra:

- Không phải ta khóc Mã Tốc đâu. Ta nhớ khi Tiên Đế lâm chung ở thành Bạch Đế có dặn ta rằng: "Mã Tốc nói khoác quá sự thực, không nên đại dụng". Nay đúng như lời ấy. Vì thế, ta hối hận và lại nhớ đến Tiên Đế cho nên đau lòng mà khóc đó thôi.

Suốt đời, Lưu Bị xem Khổng Minh là thầy. Ấy là đức khiêm của Huyền Đức. Lão Tử nói khiêm là cái đức của đất. Vâng, đất rất khiêm nhường mà dựng nên núi non trùng điệp và cho nhân loại mùa màng, hoa trái. Ai không có đức khiêm, người ấy không có Nhân Hòa.

Suốt đời mình, Lão Tử chỉ viết một cuốn sách mỏng, gồm 5.000 chữ. Cuốn sách đó đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng trên thế giới. Một học giả phương Tây - ông Reme Bertrand viết rằng "Lão Tử chỉ viết rất vắn tắt - Đạo Đức Kinh. Vài dòng chữ hợp thành quyển sách ấy mà chứa đựng tất cả sự khôn ngoan trên trái đất này".

Và trong 5.000 chữ của Lão Tử có câu này: "Tri giả bất ngôn. Ngôn giả bất tri" (Biết thì không nói. Nói là không biết).

Trong thế giới hiện đại của chúng ta hình như các nhà DN Nhật Bản học được nhiều nhất hai chữ Nhân Hòa. Trong hãng của họ, mọi người đều tình nguyện đi sớm về muộn, làm việc hết sức tận tụy. Các chàng trai Nhật Bản đêm ngủ còn mơ thấy tiếng máy chạy và những sản phẩm trôi trên băng chuyền.

Tôi nhận thấy cứ mười vụ công an kiểm tra các DN thì có đến 9 vụ do nội bộ kiện tụng nhau mà ra. Cái khôn tuôn ra mồm là khôn ngu. Khôn hiện ra mặt là khôn dại. Người khôn mà khiêm nhường mới là đại khôn.

Muốn có nhân hòa thì phải biết khiêm. Trong lều cỏ của Khổng Minh trước khi xuống núi giúp Lưu Bị có treo một đôi câu đối như sau: "Đạm bạc dĩ minh chí, minh tĩnh dĩ chí viễn" (Đạm bạc để sáng chí, yên lặng để đi xa). Phải sống như thế mới có nhân hòa. Tôi thấy nhiều chủ DN bây giờ chưa kịp lớn đã sống xa hoa và ầm ĩ.


This entry was posted on 5/26/2009 and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 nhận xét:

HAHAHA

AI? Ở ĐÂU?