Các nhà sản xuất ô tô luôn có xu hướng tìm nguồn cảm hứng trong quá khứ để cho ra đời những thiết kế của tương lai. Hãy điểm lại những mẫu xe đã làm nên bộ mặt ngành ô tô trong 25 năm qua và sẽ là điểm tựa thiết kế cho tương lai.
Mazda Miata

Năm ra mắt: 1989

Thiết kế: Tom Matano

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Mazda Miata đã làm hồi sinh thị trường xe mui trần từng là niềm say mê của một loạt thương hiệu Anh quốc như MG, Triumph, Lotus, và Austin-Healey trong thập niên 60. Phân khúc thị trường này vẫn “nóng” cho đến tận ngày nay.

Lotus Elise

Năm ra mắt: 1996

Thiết kế: Julian Thomson

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Nhắm vào những người đam mê tốc độ thuần khiết, Lotus Elise có trọng lượng nhẹ nhất có thể để đảm bảo tốc độ cao. Thân xe làm bằng vật liệu sợi thủy tinh cùng với kết cấu khung vững chắc khiến xe của Lotus nhẹ và nhanh hơn nhiều mẫu xe thể thao khác.

ToyotaPrius

Năm ra mắt: 1997

Thiết kế: Katsuhiko Inatomi, Norio Oseki

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Honda Insight có thể là mẫu xe hybrid đầu tiên ở Bắc Mỹ, nhưng Toyota Prius mới là mẫu xe hybrid đầu tiên phổ biến và tạo cơn sốt trên thị trường. Thân xe được thiết kế theo hình dáng chiếc nêm, nhằm tăng tối đa tính khí động học và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.

Audi TT

Năm ra mắt: 1998

Thiết kế: J Mays, Freeman Thomas, Martin Smith

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Audi TT ra mắt đầu tiên dưới dạng coupe và sau đó là mui trần, ứng dụng kỹ thuật hàn laze mới, đem đến đặc điểm thiết kế không lộ mối hàn. Những đường cong táo bạo ở thân xe đã biến Audi TT trở thành một thiết kế kinh điển.

New Volkwagen Beetle

Năm ra mắt: 1998

Thiết kế: J Mays, Freeman Thomas

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Kế vị “con bọ” Beetle huyền thoại, mẫu New Volkwagen Beetle giữ nguyên đường nét thiết kế cổ điển của nguyên bản - dáng con bọ và đầu xe hình miệng cười, đồng thời bổ sung một số đường nét hiện đại. Điểm cải tiến lớn nhất ở xe Beetle thế hệ mới là động cơ được chuyển vị trí từ sau lên trước, giúp xe có tính năng vận hành và độ bám đường tốt hơn.

Pagani Zonda

Năm ra mắt: 1999

Thiết kế: Horacio Pagani

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Pagani Zonda có thể đạt vận tốc 100km/h trong chưa đến 4 giây và đạt tốc độ cực đại hơn 355km/h. Giá bán của mẫu xe này là 1,2 triệu USD. Ngoài tốc độ, điểm hấp dẫn của Zonda còn nằm ở hình thức lạ mắt như xe của Người dơi, với gương chiếu hậu được bố trí ở vị trí cao.

BMW Z8

Năm ra mắt: 2000

Thiết kế: Henrik Fisker

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Thiết kế của mẫu xe mui trần tính năng vận hành cao này, dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn, lấy cảm hứng từ những chiếc xe BMW hai chỗ cổ điển từ thập niên 50 và đã đem đến cho nhà thiết kế Henrik Fisker danh tiếng quốc tế trong chớp mắt. Ngoài đường nét thiết kế thân xe thanh nhã, Z8 còn có một số đột phá về thiết kế nội thất, như các mặt đồng hồ tròn được bố trí ở chính giữa táp-lô.

MINI Cooper

Năm ra mắt: 2001

Thiết kế: Frank Stephenson

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Mẫu xe này đánh dấu sự trở lại ấn tượng của thương hiệu Mini trên thị trường dưới sự quản lý của tập đoàn BMW. Với tên gọi mới - MINI thay cho Mini, dòng xe nhỏ nhắn này giữ nguyên đường nét thiết kế cổ điển và những nét lạ như kiểu công tắc gạt điều khiển cửa sổ xe từ nguyên mẫu thiết kế của British Motor hồi thập niên 60.

Hummer H2

Năm ra mắt: 2002

Thiết kế: Wayne Cherry

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Hummer H2 đã trở thành minh chứng hùng hồn cho niềm say mê xe “khủng” và “uống xăng” của người Mỹ. Mẫu H2 nguyên bản lấy cảm hứng từ thiết kế của những chiếc xe Humvee quân đội hầm hố, với kiểu lưới tản nhiệt “hiên ngang”, kính chắn gió trước dựng đứng và cửa sổ hộp.

Bentley Continental GT

Năm ra mắt: 2003

Thiết kế: Dirk van Braeckel

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Mẫu Continental GT đặc biệt gây ấn tượng bởi tính năng vận hành cũng như thiết kế có khả năng thu hút mọi ánh nhìn ở bất cứ nơi nào nó xuất hiện.

Ford GT

Năm ra mắt: 2003

Thiết kế: Camilo Pardo, J Mays

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Được thiết kế để chuẩn bị cho sự kiện sinh nhật tuổi 100 của Ford, mẫu xe GT được xem như mẫu xe xuất sắc nhất của Ford trước khi công ty rơi vào giai đoạn tài chính khó khăn nhất trong lịch sử. Bị dừng sản xuất vào năm 2006, GT có thiết kế được xếp vào loại siêu xe cổ điển.

Lamborghini Gallardo

Năm ra mắt: 2003

Thiết kế: Luc Donckerwolke

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Lamborghini nổi tiếng với khả năng nâng cấp thiết kế xe. Những đường nét thiết kế táo bạo của Gallardo đã đem đến hơi thở thời đại cho những thiết kế của Lamborghini từ thập niên 70.

Không kể sang hèn, lớn nhỏ, đây là những mẫu xe đã góp phần định hình bộ mặt ngành công nghiệp ô tô thế giới trong 25 năm qua.

Mercedes-Benz SLR McLaren

Năm ra mắt: 2003

Thiết kế: Gordon Murray

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Được nhiều người cho là một trong những mẫu xe đẹp nhất mà Mercedes từng sản xuất, SLR là sản phẩm của dự án hợp tác giữa Mercedes và nhà chế tạo xe đua McLaren. Các chi tiết thiết kế nổi bật gồm mũi xe mô phỏng hình mũi tên, giống các xe đua Công thức 1 và bộ la-zăng trông như tua-bin gió.

Jaguar XJ

Thiết kế lại: năm 2003

Thiết kế: Ian Callum

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Được giới thiệu lần đầu tiên từ những năm 60, Jaguar XJ là ví dụ điển hình cho phong cách Anh quốc độc đáo của Jaguar. Bản thiết kế lại năm 2003 giữ nguyên hai đặc điểm thiết kế nổi bật nhất là biểu tượng chú báo đang chồm lên trên mũi xe và 4 đèn pha hình tròn.

Aston Martin DB9

Năm ra mắt: 2004

Thiết kế: Ian Callum, Henrik Fisker

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Là xe thể thao tính năng vận hành cao, Aston Martin DB9 có điểm nhấn là thiết kế cửa sổ sau thoải dốc và đuôi xe ốp bạc. Đây là một trong số ít xe có hình thức hoàn mỹ khi nhìn từ cả trước và sau.

Maserati Quattroporte

Năm ra mắt trở lại: 2004

Thiết kế: Pininfarina

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Với kiểu lưới tản nhiệt hình ôvan có biểu tượng cây đinh ba của hãng nằm chính giữa, mui xe thoải dài và các lỗ hút gió tròn bên hông xe, Maserati Quattroporte kiến tạo một phân khúc thị trường siêu xe 4 cửa mới.

BMW 3 Series

Thiết kế lại: năm 2005

Thiết kế: Chris Bangle

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Dòng 3 Series của BMW ra mắt lần đầu tiên vào giữa thập niên 70 và được thiết kế lại vào năm 2005. Mặc dù có thiết kế thân xe hoàn toàn mới, nhưng dòng 3-Series hiện nay giữ nguyên thiết kế lưới tản nhiệt hình quả thận nổi tiếng của BMW, chỗ uốn cong về phía trước ở cột C.

Bugatti Veyron

Năm ra mắt: 2005

Thiết kế: Hartmut Warkuss

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Từng nhiều năm liền giữ danh hiệu xe nhanh nhất và đắt nhất thế giới, Bugatti Veyron là một hiện thân của sự xa xỉ thái quá. Chiếc xe có tốc độ cực đại trên 400km/h, thiết kế thân xe “bóng mượt”, và sử dụng kiểu cánh gió sau thò thụt.

Chrysler 300

Năm ra mắt trở lại: 2005

Thiết kế: Ralph Gilles, Freeman Thomas

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Đây được xem như “quả ngọt” duy nhất trong mối lương duyên ngắn ngủi giữa Chrysler và Daimler, và là thiết kế thành công nhất của Chrysler trong nhiều năm trở lại đây. Điểm đáng chú ý nhất của mẫu sedan này là lưới tản nhiệt trước cỡ lớn, cụm đèn pha dựng đứng và hông xe cao.

Ford Mustang

Thiết kế lại: năm 2005

Thiết kế: Sid Ramnarace, Hau Thai-Tang

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Các nhà thiết kế đã tái sinh mẫu xe thể thao cổ điển nổi tiếng của Ford vào năm 2005, giữ nguyên tên gọi đã trở thành biểu tượng xe hơi Mỹ - Mustang. Thiết kế xe là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách hoài cổ với các yếu tố hiện đại.

Porsche 911

Thiết kế lại: năm 2005

Thiết kế: Ferdinand “Butzi” Porsche, Erwin Komenda

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Được nhiều tín đồ xe hơi xem như mẫu xe thể thao thuần khiết nhất, Porsche 911 trở thành cái tên danh giá kể từ khi ra mắt vào thập niên 60. Do đó, bất cứ thay đổi nào về thiết kế xe đều được Porsche cân nhắc rất kỹ lưỡng để không làm hỏng một biểu tượng. Trên thực tế, hình thức tổng thể xe không có nhiều thay đổi qua năm tháng.

Ferrari 599 GTB Fiorano

Năm ra mắt: 2006

Thiết kế: Pininfarina, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc thiết kế Ferrari Frank Stephenson

Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Đây là mẫu xe thể thao mạnh mẽ nhất của Ferrari, gợi nhắc thiết kế xe GTO của nhà sản xuất ô tô Ý trong những năm 60, với kiểu lưới tải nhiệt kéo dài theo chiều ngang và điểm nhấn cho mũi xe là hai dải đèn pha mảnh dẻ. Mẫu xe này được đặt theo tên đường đua Fiorano của công ty ở Ý.

Jeep Wrangler

Thiết kế lại: năm 2007


Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Thiết kế của Jeep Wrangler không khác mấy so với những chiếc jeep thời Thế chiến thứ II mà nhà sản xuất dựa vào đó để lấy cảm hứng. Bản thiết kế lại gần đây nhất giữ nguyên thiết kế lưới tản nhiệt thẳng đứng với các thanh sổ dọc, cùng hai đèn pha tròn hai bên.

Nissan GT-R

Năm ra mắt trở lại: 2007

Thiết kế: Shiro Nakamura


Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Nguồn cảm hứng thiết kế mẫu xe thể thao tính năng vận hành cao này đến từ Gundam, loạt phim hoạt hình Nhật Bản về những chú robot khổng lồ.

Tata Nano

Năm ra mắt: 2008

Thiết kế: Girish Wagh, Justin Norek, Pierre Castinel


Lý do mang ý nghĩa lịch sử: Không để lại dấu ấn về hình thức, Tata Nano có thành công lớn nhất là trở thành mẫu ô tô rẻ nhất thế giới tại thời điểm nó ra mắt. Mẫu xe này ra đời nhờ hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí, khiến nhiều ý kiến cho rằng nó khó lòng bán được tại các thị trường khác, như không có điều hòa, không đài, không vô-lăng trợ lực. Tuy nhiên, ngoài thị trường chính là Ấn Độ, Nano vẫn đang tự tin hướng tới các thị trường phương Tây trước sự dè chừng của không ít nhà sản xuất kỳ cựu.



This entry was posted on 5/29/2009 and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 nhận xét:

HAHAHA

AI? Ở ĐÂU?