Có những công dân đang đứng trước nguy cơ bị đối xử như "công dân hạng hai", không chỉ ở mức độ kỳ thị cảm tính, mà còn bị phân phân biệt đối xử một cách chính thức ngay ở quyền lao động.

Đó là những cầu thủ gốc ngoại đã nhập quốc tịch Việt Nam. Họ đang bị đặt ra vấn đề giới hạn "chỉ được 1 cầu thủ nhập tịch gốc ngoại vào sân" cho mỗi đội bóng, một quy định được đặt ra bởi những nhà lãnh đạo bóng đá kém hiểu biết về mặt pháp luật của LĐBĐ VN cũng như của một số CLB bóng đá ở V-League.

Về pháp luật, đơn giản là những cầu thủ ấy đã là công dân Việt Nam. Họ đã vượt qua những tiêu chuẩn "sàng lọc" để trở thành công dân Việt Nam (còn cuộc sàng lọc ấy được thực hiện chặt chẽ đến mức nào lại là câu chuyện khác), và bây giờ họ có đầy đủ quyền mà mọi công dân được hưởng. Quyền cơ bản nhất là quyền lao động. Lao động chủ yếu của họ là đá bóng, mà vì đó và nhờ đó họ được nhập tịch.

Niềm tự hào lớn nhất của bóng đá Pháp Zinedine Zidane lớn lên từ khu ổ chuột của người nhập cư Algeria.
Những quyền công dân của họ không được phép bị giới hạn ra ngoài khuôn khổ luật pháp. Tức là không thể có những quy định "mang tính pháp quy" nào khác ngoài luật pháp nhà nước hiện hành giới hạn quyền công dân của họ. Và không có một quy định nào kỳ thị hay phân biệt đối xử họ so với các công dân khác được phép tồn tại. Mọi quy định như thế đều trái pháp luật.

Về văn hóa, chính sự giao lưu, giao thoa của các nền văn hóa đã tạo nên sự đa dạng và phát triển của mỗi nền văn hóa và của cả thế giới. Nước Mỹ được tạo dựng và phát triển bởi những người di cư chứ không phải người bản địa. Văn hóa Pháp được tôn vinh không phải bởi tính dân tộc của nó, mà ở vị thế như là nền văn hóa tinh hoa của lục địa già, thậm chí có giai đoạn lịch sử là tinh hoa của cả thế giới. Bản sắc Pháp được quy định bởi sự tinh hoa và tính bao dung, không bị quy định bởi dòng máu Gaulois.

Người Pháp đã hết sức tự hào với đội tuyển của họ khi đoạt chức vô địch thế giới năm 98 hay vô địch châu Âu 2 năm sau đó, không chỉ trên phương diện bóng đá mà cả trên ý nghĩa văn hóa, khi nó đã dung nạp những chủng tộc đa dạng vào nền văn hóa Pháp, từ những cầu thủ gốc da đen thuộc địa như Thuram, Desailly, Vieira, Karembeu đến những cầu thủ gốc láng giềng như Lizarazu, hay kể cả xuất thân từ những nền văn hóa chẳng có nhiều mối liên hệ với nước Pháp như Djorkaeff đến từ Gruzia, hay Trezeguet từ Argentina. Niềm tự hào lớn nhất của bóng đá Pháp cũng không phải là người gốc Pháp, anh là Zinedine Zidane lớn lên từ khu ổ chuột của người nhập cư Algeria.

Ngay cả những nền văn hóa vốn là cái nôi của chủ nghĩa dân tộc cực đoan như Đức hay Nhật giờ cũng đã trở nên bao dung hơn, mà chúng ta có thể tìm thấy những ví dụ ngay trong bóng đá.

Tất nhiên, họ tuyệt đối tôn trọng quyền lao động của những công dân gốc ngoại vì họ là những nước thượng tôn pháp luật, và hơn thế họ còn đưa những công dân khác dòng máu của mình vào những hoạt động mang tính chất biểu tượng quốc gia là đội tuyển bóng đá của mình.

Thủ môn Phan Văn Santos ăn mừng sau khi ghi bàn tại V-League. Ảnh: Ngoisao.net..

Chúng ta đã quen với việc cầu thủ gốc Brazil là Alex khoác áo đội tuyển Nhật. Còn cặp tiền đạo chủ chốt của đội tuyển Đức hiện tại Klose - Podolski đều là người gốc Ba Lan, vốn là thuộc địa - láng giềng của họ. Người Đức giờ đây dung nạp vào đội tuyển của mình cả những công dân nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ hay gốc Phi, như trường hợp của Odonkor hay Asamoah.

Và chắc chúng ta đều biết về vị tân bộ trưởng Y tế của nước Đức là một người gốc Việt. Nhưng liệu những người đang đặt ra quy định về giới hạn cầu thủ nhập tịch gốc ngoại được ra sân sẽ nhìn nhận về điều này như một bài học về sự bao dung văn hóa, hay lại khơi dậy trong họ cảm hứng về "chủng tộc Việt thượng đẳng" và "chủng tộc Việt thuần khiết"? Hay đơn giản là họ chẳng nghĩ gì, mà chịu tác động của một ai đó có cảm hứng như trên?

Chúng ta buộc phải nghĩ tới điều này, khi đội tuyển vừa giới thiệu những Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max trong màu áo quốc gia, bỗng dưng đồng loạt biến mất mà không một lời giải thích.

Về bóng đá, cầu thủ ngoại đã góp phần quan trọng giúp V-League từ một giải đấu chẳng ai xét đến giờ được xếp hạng thứ 41 trong số các giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất thế giới, vị trí cao hơn nhiều so với xếp hạng của đội tuyển Việt Nam trong bảng xếp hạng FIFA. Những cầu thủ đã được nhập tịch chính là những người có đóng góp lâu và quan trọng nhất trong số những cầu thủ ngoại, như Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley, Nguyễn Rogerio, Đoàn Văn Nirus...

Đội tuyển Việt Nam không bị thiệt hại bởi điều đó, kể cả khi chúng ta chưa sử dụng những cầu thủ nhập tịch này trong màu áo đội tuyển. Trái lại, họ được hưởng lợi rất nhiều, khi những cầu thủ bản địa chưa ra nước ngoài mà đã được chinh chiến trong môi trường có chất lượng chuyên môn cao hơn, tính cạnh tranh mạnh hơn.

Và việc đối kháng hàng tuần với những cầu thủ Thái hay cầu thủ Tây ngay tại V-League đã giúp thế hệ cầu thủ Việt Nam hiện tại căn bản vượt qua nỗi sợ hãi người Thái hay Tây. Đó là lý do đội tuyển Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng các đội bóng Tây Á và Trung Á trong thời gian qua, và lần lượt vượt qua Singapore "gốc Tây" và Thái Lan để lên ngôi ở AFF Cup năm rồi. Để so sánh, "thế hệ vàng" của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức chưa đá đã thua những đối thủ trên.

Khi các cầu thủ như Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max vừa được giới thiệu trong đội tuyển quốc gia thì cũng biến mất. Ảnh: VTC
Có thể, những người đang muốn đặt ra và ủng hộ quy định trên nghĩ tới việc tạo cơ hội thi đấu cho các cầu thủ bản địa. Nhưng họ nhầm khi nghĩ rằng cho người ta ưu đãi, đặc quyền sẽ giúp người ta phát triển. Những ưu đãi, đặc quyền đó sẽ nuôi dưỡng tính ỷ lại và thói an phận, khiến các cầu thủ thay vì tự nỗ lực để giành cơ hội cho mình thì cứ trông chờ những người làm chính sách tạo cơ hội cho họ.

Những cầu thủ Anh, Italia, Tây Ban Nha không chỉ phải cạnh tranh với những cầu thủ ngoại (cũng dành 3 suất ra sân cho các cầu thủ ngoài EU), những cầu thủ nhập tịch (không có giới hạn nào về cầu thủ nhập tịch) mà còn phải cạnh tranh với toàn bộ cầu thủ có hộ chiếu EU không giới hạn (sau phán quyết Bosman, các cầu thủ thuộc EU được đối xử như cầu thủ nội trên toàn bộ Liên hiệp châu Âu). Nhưng Italia vẫn vô địch World Cup 2006, Tây Ban Nha vẫn vô địch Euro 2008, và đội tuyển Anh vẫn thắng 9/10 trận ở vòng loại World Cup 2008. Mà 3 nền bóng đá này là nơi thu hút những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, thể hiện ở việc nắm giữ 3 vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng các giải VĐQG châu Âu của UEFA.

Barcelona đang ở trên đỉnh thế giới nhờ đội hình gồm đa số những cầu thủ do mình đào tạo. Hơn 1 thập kỷ qua Real Madrid được biết đến như là bộ sưu tập các ngôi sao nhưng luôn có chỗ cho Raul, Casillas, Guti hay trước đó là Hierro, đều do Real đào tạo. Tương tự với Manchester United là trường hợp của Scholes, Neville, Giggs, Beckham...

Để phát triển, người ta không được phép tạo ra những môi trường của sự ưu đãi và đặc quyền, mà phải bằng cạnh tranh. Còn để cạnh tranh cho tốt thì cần có sự chuẩn bị tốt thông qua hệ thống đào tạo trẻ, cả về chuyên môn lẫn thái độ sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, và cuối cùng là nỗ lực của từng cá nhân.



This entry was posted on 11/25/2009 and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 nhận xét:

HAHAHA

AI? Ở ĐÂU?