Không hiểu sao, thỉnh thoảng có một vài tờ báo lại viết về chuyện nhiều người cầu cúng đêm đêm ở miếu hai cô nơi góc tường Văn Miếu ở ngã tư Nguyễn Thái Học- Tôn Đức Thắng (Hà Nội). Người thì bảo do trước đây địa điểm này có miếu thờ 2 cô gái nhảy vào tàu điện tự tử, người thì bảo là nơi thắp hương cho người đàn ông bị chết vì tai nạn tàu điện. Cạnh đó có cây gạo lắm ma nên người dân thắp hương, lâu dần thành quen, một đồn mười, mười đồn trăm nên đến giờ nhiều người vẫn nghe tiếng mà cúng vái cầu xin đủ thứ.

Cũng tò mò từ lâu không biết tại sao người ta hay cúng vái ở đó, Chí Phèo hỏi ông bạn Ma Y Sinh- "gã thầy đồ dở hơi" toàn dạy thư pháp miễn phí ở chùa Tảo Sách xem có biết lý do hay không. Lão cũng chẳng biết vì sao nhưng kể một giai thoại nửa thực nửa hư xem chừng có lý:

Chuyện là hồi Pháp thuộc, toà nhà nay là Đại sứ quán Ixarel đối diện góc phố cầu cúng vốn là tư dinh của một viên quan Pháp. Nơi góc tường Văn Miếu bây giờ cũng là cái bến tàu điện nên mỗi khách đi tàu điện buồn tè lại ra tưới vào góc bờ tường. Ngoài chuyện bí quá phải làm bừa có lẽ đây là cách người An Nam thể hiện hành động căm thù với bọn thực dân xâm lược...?

Hàng ngày ngửi mùi hương đặc trưng của người dân An Nam bay vào nhà và phải chứng kiến thường xuyên cảnh người ta giải quyết nỗi buồn trước nhà khiến cả gia quyến viên quan Pháp khó chịu vô cùng, ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần suy sụp, sức khoẻ xuống cấp. Bố trí lính canh, cấm người đái bậy cũng không xuể vì lúc vắng lính thì dân An Nam vẫn tè vào chỗ đó. Bất lực, viên quan phải nhờ một quân sư người An Nam lắm kế bày cách dẹp cái đám tè vô tổ chức. Theo vị quân sư thì người An Nam có thể tè vào bất cứ chỗ nào trừ chỗ người ta cắm hương dù chỉ là mảnh đất hoang.

Thế rồi, vài ngày sau, chỗ đi tè bỗng mọc lên cái miếu rồi cả tuần liên tục có cả trăm người (được thuê) thắp hương khấn vái, cầu xin liên tục khiến bao người tò mò. Cùng với việc đó là xuất hiện câu chuyện cứ rỉ tai lan truyền người này tới người khác là người ta khôi phục lại cái miếu thờ mẫu ngày xưa nghe nói thiêng lắm... Cùng với đám cúng thuê đông đảo, câu chuyện truyền miệng kia khiến người tới cúng vái tăng dần. Đến lúc lực lượng cúng thuê rút bỏ thì đã có những người tự giác đến cầu cúng. Nhà viên quan Pháp đã thoang thoải mùi hương, mùi trầm chứ không phải là cái mùi khai đầy căm uất của người An Nam.

Ngày nay miếu không còn, nhưng vẫn có người đến thắp hương cúng vái. Nhiều người trong số họ cũng không biết cúng vái ai, chỉ biết đây là chỗ để cầu cầu duyên, cầu tài, cầu lộc, cầu làm ăn, cầu học hành, cầu bình an và cầu trúng lô, trúng đề...

Chẳng biết thực hư thế nào, chỉ thấy bờ tường Văn Miếu ngày càng ám khói đen sì...



This entry was posted on 3/06/2009 and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 nhận xét:

HAHAHA

AI? Ở ĐÂU?