Đối với tôi, đó là thứ chân lý tuyệt vời mà đến hôm nay tôi đã bị khuất phục hoàn toàn. Thậm chí, bây giờ tôi sẵn sàng làm một nhà “truyền giáo”, đi khắp nơi để rao giảng về nó. Nếu có bất cứ anh bạn nào lên tiếng khẳng định MÌNH ĐÃ LÀ MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG thực sự, tôi sẽ xin mời cùng xếp chân vòng tròn trên chiếu mà tranh luận cho ra ngô, ra khoai mới thôi…
Người đầu tiên nói ra với tôi thành câu, thành chữ về việc “chúng ta không bao giờ trở thành đàn ông được” là một anh bạn hơn tôi vài tuổi. Đối với tôi, anh là bậc đàn anh trong nhiều thứ, cả về cuộc sống và nghề nghiệp. Đủ cả tri thức và sức khỏe, đủ cả sự quyết liệt và khôn khéo, thế mà anh lại khẳng định như đinh đóng cột rằng không một người đàn ông nào có thể trở thành đàn ông thực sự mới lạ chứ!
Lạ nhưng quen. Bởi lẽ hình như gã trai trẻ nào cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi: Mình đã là đàn ông hay chưa? Kể cả từ khi còn thò lò mũi xanh cho đến khi đã thành một ông cụ già. Câu hỏi ấy vẫn quanh quẩn trong đầu, ta sống quay cuồng vì nó và đến khi gần hiểu ra thì tự nhiên đã thấy đen kịt hết cả.
Lên năm tuổi, anh bảo tôi: Mày đếch phải con trai vì hay khóc nhè . Tất nhiên là tôi không đồng ý. Tôi khảng khái bảo chắc chắn mình sẽ thành một người đàn ông thực sự. Từ đó tôi không khóc nữa, cho dù có ngã trầy da xước đầu gối thì tôi nhất quyết không khóc. Thậm chí còn nở một nụ cười mãn nguyện. Cũng có lần đi nhổ răng bị tiêm vào lợi đau quá, nhưng tôi chỉ chảy nước mắt thôi chứ không kêu rầm trời như mấy đứa con gái vào trước. Đàn ông con trai mà.
Thế rồi tức tốc chạy đi tìm khoe với anh bằng được rằng mình đã thành đàn ông như thế nào. Anh chùi mũi cười khẩy, bảo tôi vẫn chưa phải đàn ông. Phải học toán giỏi hơn bọn con gái thì mới gọi là đàn ông được.
Từ năm lớp một, tôi đã lao vào học toán như điên. Đến năm lớp bốn, tôi giải được những bài toán cải cách mà các cậu tôi cũng bó tay. Khậc khậc! Vậy mà cũng đòi khó. Tôi mang cái bảng điểm hơn tám phẩy môn toán, nhưng dưới năm phẩy môn tập viết, ra để khoe với anh. Chắc mẩm phen này anh sẽ phải ồ lên bởi tôi đã thành một thằng đàn ông thực sự.
Ấy mà cái môi anh nó vẫn cứ trề ra mới lạ chứ. Anh bảo: Cậu học nhiều quá, mắt cận lồi ra thế kia, chắc chắn không biết chơi song phi, bổ quay hay ném lon. Nếu không biết chơi những trò của con trai thì làm sao gọi là con trai được. Phải gọi là “ái” mới đúng. Trời, đúng là thế. Ở đời, ai ghét tôi thế nào thì tôi ghét bị gọi là “ái” thế ấy. Vậy là chương trình phấn đấu để thành một thằng con trai thực sự của tôi lại được thay đổi chút ít.
Đến năm học cuối cấp hai, tôi đã có thể song phi cao tới bàn cao quá đầu bọn bạn cùng lớp. Chơi ném lon thì hất tung cái ống bơ sữa bò lên tận đầu phố. Bổ vỡ đôi hơn chục con quay của bọn bạn. Tôi mang mấy mảnh quay gỗ bị vỡ toác ra khoe. Mặt anh vẫn lạnh lùng, lúc này đã lún phún mấy cái ria dưới mũi. Anh xổ toẹt, bảo đấy là trò trẻ con. Đàn ông thì phải gánh nước thay bố mẹ chứ. Ai đời nhà có con trai mà vẫn phải để bố mẹ đêm nào cũng thức đến ba, bốn giờ sáng để kẽo kẹt gánh nước thế?
Ngay ngày hôm đó, tôi nằng nặng đòi bố tôi sắm cho được cái đòn gánh nhỏ cho vừa với mẩu người của mình. Tối đến, tôi nhất quyết mặc kệ phim hay đến mấy để chầu chực hứng từng thùng nước một, gánh từ bên chợ, băng qua đường về. Mẹ tôi xót con, bảo cứ gánh hai nửa thùng một thôi. Tôi bỏ ngoài tai, dù đoạn ống đồng cổ chân đã va vào thùng tôn, xước bật máu nhiều lần. Kiểu gì tôi cũng phải thành một thằng đàn ông!
Đến khi đã học cấp ba, đang ôn thi đại học, vô tình gặp anh đang phóng trên đường, tôi khoe nhà mình đã mua được cái máy bơm, mới lắp đường ống nước Hà Lan, nghĩa là bố mẹ tôi không còn phải gánh nước nữa. Anh vỗ vai tôi, khen vài câu lấy lệ rồi buông ra một tràng chân tình. Vâng, anh bảo tôi vẫn đếch phải là đàn ông. Làm đàn ông thế nào khi mà tôi chưa có bạn gái? Ôi, cái sự dễ hiểu thế mà sao tôi có thể quên cơ chứ? Muốn thành đàn ông chân chính thì phải kiếm cho mình một cô nàng.
Khốn nỗi, muốn cưa cẩm con nhà người ta thì phải có xe máy, có tiền tiêu đàng hoàng chứ. Chương trình của tôi được hoạch định gói gọn trong năm năm… Quyết định liều lĩnh: Bỏ học đại học, học tiếng Anh cấp tốc để dễ xin việc. Lao vào làm ngày làm đêm để kiếm được chút ít, đặng chuyển đổi cái xe cuốc cọc cạch thành cái xe máy. Đích đến của tôi đang ngày càng rõ nét…
Đưa thiếp cưới đến nhà ai thì ngại chứ đến nhà anh thì tôi chẳng thấy gì, thậm chí còn thấy vui vui là đằng khác. Bấm chuông, nem nép né mấy con chó bẹc giê, thế là tôi ngồi chễm chệ trước mặt vợ chồng anh. Chìa cái thiệp ra trước mặt bàn, mặt tôi nghênh nghênh, mồm tuôn ra một tràng kể chuyện. Anh bảo: Tao thấy mày mải kiếm tiền quá, tưởng không bao giờ lấy được vợ. Tôi cười, phải lấy chứ anh, đàn ông mà! Anh không hề mất cảnh giác: Đàn ông cái con khỉ! Đã có nhà riêng chưa mà đòi làm đàn ông?
Hơ… cái này thì tôi chưa hề nghĩ đến. Vốn đơn giản, tôi định rằng nếu nhà chật thì vợ chồng cứ thuê nhà mà ở chứ cần gì mua. Anh bảo, thế hai mươi năm nữa con cậu nó khoe với bạn nó là bố nó tuy đang đi thuê nhà để ở nhưng vẫn là một người đàn ông chân chính à? Ôi trời, sắp có sự vui mà đầu óc tôi nó cứ mụ mị cả đi. Trong đám cưới, tôi vẫn cười để chụp ảnh nhưng ai cũng tưởng chú rể nhớ người yêu cũ nên buồn quá, nhe răng như bị tâm thần.
Hai mươi năm lấy nhau là hơn bảy nghìn ngày vợ tôi phải đi ngủ trước để tôi hì hục đến sáng sớm mà làm việc. Mọi người gọi là “cày” kiếm tiền. Trong nhà, đống báo về thông tin nhà đất nhiều đến độ, cứ ba tháng một lần, vợ tôi gọi hàng đồng nát vào bán để kiếm tiền đi chợ, hai vợ chồng liên hoan một bữa tươi…
Cũng đến một ngày, tôi gọi điện mời anh chị đến mừng tân gia. Cuối cùng, ngày mà tôi chắc mẩm anh phải công nhận với tôi rằng trở thành một người đàn ông thực sự không phải là điều không tưởng đã đến.
Rượu đã ngà ngà, anh giơ cao chén rượu chúc tôi: “Chúc cô chú mau dựng vợ gả chồng cho cháu. Một người đàn ông thực sự phải sớm lo chu toàn cho con mình chứ!” Không hiểu anh có ý tứ gì không nhưng miếng thịt gà trong mồm tôi nó nghẹn lại. Không hóc xương nhưng nước mắt giàn giụa đến nực cười. Tôi đổ tại ớt cay quá!
Có bậc tiền bối đã nói: Khi bạn sinh ra, một mình bạn khóc, mọi người cười, hãy sống sao cho đến khi bạn chết đi, tất cả mọi người đều khóc, một mình bạn cười. Đến bây giờ thì tóc tôi đã muối tiêu, tóc anh thì đã phải đi nhuộm nhiều lần. Thỉnh thoảng anh vẫn đến thăm tôi để làm vài ván cờ. Thỉnh thoảng anh lại hỏi tôi, thế đã nhắm được cái nhà nào cho thằng cả chưa? Thế đã xin được cho thằng cháu đi học mẫu giáo chưa? Thế hai vợ chồng đã định làm gì lúc về hưu chưa? Đàn ông đàn ang thì phải lo lắng được cho con, cho cháu chứ. Tôi thủng thẳng “Làm đàn ông thế quái nào được hả anh? Lo thế thì lo cả đời.” Anh lại cười khà khà đắc chí: "Thế nhé, thành đàn ông thế đếch nào được? Trong khi phụ nữ cứ đẻ con xong là thành đàn bà. Làm đàn ông thì còn xơi!"Đúng lúc ấy, thằng cháu tôi nó mải chạy, vấp ngã lăn ra sân. Cả hai lão già ngoảnh đầu lạnh te: “Đàn ông con trai thì phải tự đứng dậy chứ nằm đấy mà khóc à?”
Người đầu tiên nói ra với tôi thành câu, thành chữ về việc “chúng ta không bao giờ trở thành đàn ông được” là một anh bạn hơn tôi vài tuổi. Đối với tôi, anh là bậc đàn anh trong nhiều thứ, cả về cuộc sống và nghề nghiệp. Đủ cả tri thức và sức khỏe, đủ cả sự quyết liệt và khôn khéo, thế mà anh lại khẳng định như đinh đóng cột rằng không một người đàn ông nào có thể trở thành đàn ông thực sự mới lạ chứ!
Lạ nhưng quen. Bởi lẽ hình như gã trai trẻ nào cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi: Mình đã là đàn ông hay chưa? Kể cả từ khi còn thò lò mũi xanh cho đến khi đã thành một ông cụ già. Câu hỏi ấy vẫn quanh quẩn trong đầu, ta sống quay cuồng vì nó và đến khi gần hiểu ra thì tự nhiên đã thấy đen kịt hết cả.
Lên năm tuổi, anh bảo tôi: Mày đếch phải con trai vì hay khóc nhè . Tất nhiên là tôi không đồng ý. Tôi khảng khái bảo chắc chắn mình sẽ thành một người đàn ông thực sự. Từ đó tôi không khóc nữa, cho dù có ngã trầy da xước đầu gối thì tôi nhất quyết không khóc. Thậm chí còn nở một nụ cười mãn nguyện. Cũng có lần đi nhổ răng bị tiêm vào lợi đau quá, nhưng tôi chỉ chảy nước mắt thôi chứ không kêu rầm trời như mấy đứa con gái vào trước. Đàn ông con trai mà.
Thế rồi tức tốc chạy đi tìm khoe với anh bằng được rằng mình đã thành đàn ông như thế nào. Anh chùi mũi cười khẩy, bảo tôi vẫn chưa phải đàn ông. Phải học toán giỏi hơn bọn con gái thì mới gọi là đàn ông được.
Từ năm lớp một, tôi đã lao vào học toán như điên. Đến năm lớp bốn, tôi giải được những bài toán cải cách mà các cậu tôi cũng bó tay. Khậc khậc! Vậy mà cũng đòi khó. Tôi mang cái bảng điểm hơn tám phẩy môn toán, nhưng dưới năm phẩy môn tập viết, ra để khoe với anh. Chắc mẩm phen này anh sẽ phải ồ lên bởi tôi đã thành một thằng đàn ông thực sự.
Ấy mà cái môi anh nó vẫn cứ trề ra mới lạ chứ. Anh bảo: Cậu học nhiều quá, mắt cận lồi ra thế kia, chắc chắn không biết chơi song phi, bổ quay hay ném lon. Nếu không biết chơi những trò của con trai thì làm sao gọi là con trai được. Phải gọi là “ái” mới đúng. Trời, đúng là thế. Ở đời, ai ghét tôi thế nào thì tôi ghét bị gọi là “ái” thế ấy. Vậy là chương trình phấn đấu để thành một thằng con trai thực sự của tôi lại được thay đổi chút ít.
Đến năm học cuối cấp hai, tôi đã có thể song phi cao tới bàn cao quá đầu bọn bạn cùng lớp. Chơi ném lon thì hất tung cái ống bơ sữa bò lên tận đầu phố. Bổ vỡ đôi hơn chục con quay của bọn bạn. Tôi mang mấy mảnh quay gỗ bị vỡ toác ra khoe. Mặt anh vẫn lạnh lùng, lúc này đã lún phún mấy cái ria dưới mũi. Anh xổ toẹt, bảo đấy là trò trẻ con. Đàn ông thì phải gánh nước thay bố mẹ chứ. Ai đời nhà có con trai mà vẫn phải để bố mẹ đêm nào cũng thức đến ba, bốn giờ sáng để kẽo kẹt gánh nước thế?
Ngay ngày hôm đó, tôi nằng nặng đòi bố tôi sắm cho được cái đòn gánh nhỏ cho vừa với mẩu người của mình. Tối đến, tôi nhất quyết mặc kệ phim hay đến mấy để chầu chực hứng từng thùng nước một, gánh từ bên chợ, băng qua đường về. Mẹ tôi xót con, bảo cứ gánh hai nửa thùng một thôi. Tôi bỏ ngoài tai, dù đoạn ống đồng cổ chân đã va vào thùng tôn, xước bật máu nhiều lần. Kiểu gì tôi cũng phải thành một thằng đàn ông!
Đến khi đã học cấp ba, đang ôn thi đại học, vô tình gặp anh đang phóng trên đường, tôi khoe nhà mình đã mua được cái máy bơm, mới lắp đường ống nước Hà Lan, nghĩa là bố mẹ tôi không còn phải gánh nước nữa. Anh vỗ vai tôi, khen vài câu lấy lệ rồi buông ra một tràng chân tình. Vâng, anh bảo tôi vẫn đếch phải là đàn ông. Làm đàn ông thế nào khi mà tôi chưa có bạn gái? Ôi, cái sự dễ hiểu thế mà sao tôi có thể quên cơ chứ? Muốn thành đàn ông chân chính thì phải kiếm cho mình một cô nàng.
Khốn nỗi, muốn cưa cẩm con nhà người ta thì phải có xe máy, có tiền tiêu đàng hoàng chứ. Chương trình của tôi được hoạch định gói gọn trong năm năm… Quyết định liều lĩnh: Bỏ học đại học, học tiếng Anh cấp tốc để dễ xin việc. Lao vào làm ngày làm đêm để kiếm được chút ít, đặng chuyển đổi cái xe cuốc cọc cạch thành cái xe máy. Đích đến của tôi đang ngày càng rõ nét…
Đưa thiếp cưới đến nhà ai thì ngại chứ đến nhà anh thì tôi chẳng thấy gì, thậm chí còn thấy vui vui là đằng khác. Bấm chuông, nem nép né mấy con chó bẹc giê, thế là tôi ngồi chễm chệ trước mặt vợ chồng anh. Chìa cái thiệp ra trước mặt bàn, mặt tôi nghênh nghênh, mồm tuôn ra một tràng kể chuyện. Anh bảo: Tao thấy mày mải kiếm tiền quá, tưởng không bao giờ lấy được vợ. Tôi cười, phải lấy chứ anh, đàn ông mà! Anh không hề mất cảnh giác: Đàn ông cái con khỉ! Đã có nhà riêng chưa mà đòi làm đàn ông?
Hơ… cái này thì tôi chưa hề nghĩ đến. Vốn đơn giản, tôi định rằng nếu nhà chật thì vợ chồng cứ thuê nhà mà ở chứ cần gì mua. Anh bảo, thế hai mươi năm nữa con cậu nó khoe với bạn nó là bố nó tuy đang đi thuê nhà để ở nhưng vẫn là một người đàn ông chân chính à? Ôi trời, sắp có sự vui mà đầu óc tôi nó cứ mụ mị cả đi. Trong đám cưới, tôi vẫn cười để chụp ảnh nhưng ai cũng tưởng chú rể nhớ người yêu cũ nên buồn quá, nhe răng như bị tâm thần.
Hai mươi năm lấy nhau là hơn bảy nghìn ngày vợ tôi phải đi ngủ trước để tôi hì hục đến sáng sớm mà làm việc. Mọi người gọi là “cày” kiếm tiền. Trong nhà, đống báo về thông tin nhà đất nhiều đến độ, cứ ba tháng một lần, vợ tôi gọi hàng đồng nát vào bán để kiếm tiền đi chợ, hai vợ chồng liên hoan một bữa tươi…
Cũng đến một ngày, tôi gọi điện mời anh chị đến mừng tân gia. Cuối cùng, ngày mà tôi chắc mẩm anh phải công nhận với tôi rằng trở thành một người đàn ông thực sự không phải là điều không tưởng đã đến.
Rượu đã ngà ngà, anh giơ cao chén rượu chúc tôi: “Chúc cô chú mau dựng vợ gả chồng cho cháu. Một người đàn ông thực sự phải sớm lo chu toàn cho con mình chứ!” Không hiểu anh có ý tứ gì không nhưng miếng thịt gà trong mồm tôi nó nghẹn lại. Không hóc xương nhưng nước mắt giàn giụa đến nực cười. Tôi đổ tại ớt cay quá!
Có bậc tiền bối đã nói: Khi bạn sinh ra, một mình bạn khóc, mọi người cười, hãy sống sao cho đến khi bạn chết đi, tất cả mọi người đều khóc, một mình bạn cười. Đến bây giờ thì tóc tôi đã muối tiêu, tóc anh thì đã phải đi nhuộm nhiều lần. Thỉnh thoảng anh vẫn đến thăm tôi để làm vài ván cờ. Thỉnh thoảng anh lại hỏi tôi, thế đã nhắm được cái nhà nào cho thằng cả chưa? Thế đã xin được cho thằng cháu đi học mẫu giáo chưa? Thế hai vợ chồng đã định làm gì lúc về hưu chưa? Đàn ông đàn ang thì phải lo lắng được cho con, cho cháu chứ. Tôi thủng thẳng “Làm đàn ông thế quái nào được hả anh? Lo thế thì lo cả đời.” Anh lại cười khà khà đắc chí: "Thế nhé, thành đàn ông thế đếch nào được? Trong khi phụ nữ cứ đẻ con xong là thành đàn bà. Làm đàn ông thì còn xơi!"Đúng lúc ấy, thằng cháu tôi nó mải chạy, vấp ngã lăn ra sân. Cả hai lão già ngoảnh đầu lạnh te: “Đàn ông con trai thì phải tự đứng dậy chứ nằm đấy mà khóc à?”
0 nhận xét: